"Anh trai vượt ngàn chông gai" đang hụt hơi, đuối sức?
Lượt xem show giảm dần đều, "anh tài" hụt hơi?
Anh trai vượt ngàn chông gai là một trong những chương trình ăn khách nhất mùa hè năm nay. Khi mới ra mắt, show liên tục gây sốt mạng xã hội với những màn trình diễn "triệu lượt xem", những video vào vị trí cao trong top thịnh hành của YouTube Việt Nam và lượt thảo luận, tương tác bùng nổ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, khi chương trình dần về cuối, nhiều khán giả lại cho rằng show có dấu hiệu "giảm nhiệt". Điều này được thể hiện qua chỉ số lượt xem giảm dần qua từng tập. Cụ thể, trong 12 tập đã lên sóng, 6 tập đầu tiên thu về 4-6 triệu lượt xem mỗi tập, còn các tập sau này chỉ đạt 2-3 triệu lượt xem.
Ở vòng công diễn 5 (tập 12) lên sóng gần đây, tình trạng "hụt hơi" về chỉ số lượt xem của chương trình tiếp tục diễn ra. Sau 1 tuần, video tập 12 chỉ đạt 1,4 triệu lượt xem - con số khiêm tốn so với giai đoạn đầu.
Một số ý kiến cho rằng Anh trai vượt ngàn chông gai không tạo được phản ứng bùng nổ cho khán giả như thời gian đầu mới lên sóng.
Từ công diễn 3 trở đi, khán giả nhận xét không có sân khấu nào vượt qua được thành công của những sân khấu trình diễn trong giai đoạn đầu như Nước hoa, Trống cơm, Dẫu có lỗi lầm... Ở công diễn 4, mặc dù các tiết mục đều khai thác chủ đề âm nhạc dân tộc nhưng bị cho là không vượt qua được cái bóng của Trống cơm - tiết mục từng tạo nên cơn sốt ở vòng công diễn 1.
Chương trình cũng bị chê vì tình tiết lê thê, gây mất hứng thú theo dõi cho khán giả, như ở tập 7 hay tập 9. Việc gián đoạn phát sóng tập 11 vì một số lý do khách quan cũng khiến Anh trai vượt ngàn chông gai "giảm nhiệt" ở chặng cuối.
Anh trai vượt ngàn chông gai phát sóng VTV3. Sau 30 phút, chương trình mới được phát trên kênh YouTube của nhà sản xuất. Điều này phần nào khiến các khán giả xem truyền hình (đa phần là khán giả lớn tuổi) không còn hào hứng với bản YouTube.
So với bản chiếu trên truyền hình đã được cắt gọt, bản chiếu YouTube đầy đủ thời lượng (hơn 3 tiếng), lại được người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ, chờ đón hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng với một chương trình thực tế, lượt xem YouTube vẫn là tiêu chí quan trọng để đánh giá độ thu hút của show. Việc sụt giảm lượt xem dần đều khiến Anh trai vượt ngàn chông gai bị cho là "đuối sức khi đi đường dài".
Vì sao giảm nhiệt?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Huy - chuyên gia truyền thông trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc - nhận định giai đoạn đầu và giai đoạn sau của Anh trai vượt ngàn chông gai có sự khác biệt đến từ nhiều lý do.
"Vì show mua bản quyền từ một chương trình quốc tế nổi tiếng từ trước, có sự tham gia của dàn "anh tài" nhiều ngành nghề, nên ban đầu tạo làn sóng truyền thông lớn. Chỉ cần nghe Hồng Sơn, Tiến Luật, BB Trần cất tiếng hát, thì dù không phải xuất sắc, khán giả vẫn cảm thấy vui, giải trí và yêu thích.
Nửa sau của show, sự ngạc nhiên, châm chước và ủng hộ của khán giả dành cho phần trình diễn của các diễn viên, cầu thủ, nghệ sĩ hài đã trôi qua. Giờ là lúc họ mong chờ sự lột xác, chuyên nghiệp hơn, chỉn chu hơn, thì lại chưa được như mong đợi, nên họ bắt đầu nản. Còn các ca sĩ cũng loay hoay tìm màn trình diễn mới, sáng tạo hơn, cũng chưa thực sự đủ ấn tượng để tạo dấu ấn vào top xu hướng", ông Quang Huy nhận định.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh đưa ra quan điểm: "Chương trình ít yếu tố kịch tính trong phần loại trừ. Do khai thác nổi bật tinh thần anh em nên người xem sẽ thấy nhịp độ của show khá tuyến tính, ít điều bất ngờ. Cách sắp xếp này nếu kéo dài thì lượt xem sẽ ảnh hưởng, vì giống như khán giả xem một show thuần về trình diễn hơn là có nội dung kịch tính để chờ đợi".
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giấu tên trong ngành sản xuất chương trình truyền hình tại TPHCM nhận xét Anh trai vượt ngàn chông gai hướng đến tệp khán giả tương đối lớn tuổi, không phải là những nhóm fan trẻ "thích cày lượt xem", dẫn đến tình trạng sụt giảm lượt xem ở nửa sau show.
Ngoài ra, chuyên gia cũng đánh giá Anh trai vượt ngàn chông gai khai thác các bài hát cũ, âm nhạc văn hóa dân tộc khá kén người nghe, không phải xu hướng thưởng thức giải trí của khán giả gen Z.
"Chương trình thiếu tính "drama" (kịch tính - PV) ở hậu trường do các "anh tài" khá dĩ hòa vi quý. Âm nhạc đi theo hướng văn hóa dân tộc cao, phù hợp nhóm khán giả lớn tuổi hơn nhưng lại không phải nhóm thích "cày view". Trường hợp này giống chương trình Ký ức vui vẻ. Fan trung thành, yêu chương trình nhưng không có thói quen xem đi xem lại để tăng lượt xem cho show", chuyên gia nhận xét.
Định hướng khác biệt của ê-kíp sản xuất
Bất chấp những tranh cãi, một số khán giả và giới chuyên gia vẫn nhận xét chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai có những giá trị khác biệt so với nhiều gameshow trên thị trường.
Theo số liệu từ Kantar Media Việt Nam, trong các chương trình giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam phát khung giờ vàng (20h-23h) các ngày trong tuần, chỉ số lượt xem trung bình chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai của đối tượng khán giả nữ trong độ tuổi 18-50 tuổi tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) hầu hết giữ vị trí số 1 trên VTV3 với chỉ số trung bình đạt từ 4,4% đến 4,9%. Đây được xem là "tệp khách hàng tiếp thị tiềm năng" của nhiều nhãn hàng.
Đối với khán giả trên toàn quốc, Anh trai vượt ngàn chông gai giữ vững thành tích top 1 rating (trừ tập 2,8,10).
Một số khán giả cho rằng họ xem show vì thích thưởng thức âm nhạc thay vì những ồn ào, đấu đá. "Khán giả xem show này đa phần đều vì yêu quý các anh trai nên chủ yếu lan tỏa những hình ảnh đẹp, tích cực. Định dạng chương trình ở những vòng loại buộc các "anh tài" phải tự loại nhau, chọn người để loại chứ không hoàn toàn căn cứ ở điểm số. Điều đó cũng lấy đi nhiều nước mắt lẫn tranh luận của người xem", khán giả Ngọc Trâm nêu ý kiến.
Trao đổi thêm với phóng viên, chuyên gia giấu tên đánh giá cao Anh trai vượt ngàn chông gai ở tư duy hướng tới các giá trị truyền thống, đề cao văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc tại các vòng công diễn. Mặc dù đây không phải là đề tài "bắt kịp xu hướng" với giới trẻ nhưng lại giúp khán giả có cơ hội tiếp xúc và hiểu thêm về những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống.
"Tôi đánh giá Anh trai vượt ngàn chông gai là gameshow ổn, có định hướng và tư duy nghệ thuật. Cách dàn dựng sân khấu, âm nhạc của show đều có tính mỹ thuật. Có điều, theo tôi, một mình đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư là không đủ.
Trong khi đó, với Anh trai say hi, đội ngũ sản xuất nắm bắt được xu hướng giới trẻ, liên tục tạo hit trên bảng xếp hạng, nhưng thiên về giải trí thị trường thay vì khía cạnh văn hóa nghệ thuật chính thống. Tóm lại, mỗi một chương trình có đối tượng khán giả và định hướng khác nhau", chuyên gia cho hay.
Ông Trần Quang Huy cho biết, Anh trai vượt ngàn chông gai không thể gọi là "đầu voi đuôi chuột", bởi show vẫn có lượng khán giả trung thành ổn định, tạo dựng được dấu ấn trong nhiều chương trình lên sóng hè vừa qua.
"Bằng chứng là khi mở bán vé concert đợt vừa rồi, Anh trai vượt ngàn chông gai vẫn bán cháy vé mọi hạng ghế trong vòng 90 phút, tức là show có lượng người quan tâm thật, quan tâm lớn, cuồng nhiệt", ông Quang Huy cho hay.
Đến nay, khi đi hết gần chặng đường, Anh trai vượt ngàn chông gai vẫn có những thành tích tốt. Phía chương trình tiết lộ các từ khóa về show đạt 10 tỷ lượt xem trên 3 nền tảng Facebook, YouTube, TikTok.
Anh trai vượt ngàn chông gai là chương trình được Việt hóa từ show truyền hình ăn khách Trung Quốc Call me by fire. Chương trình gồm 15 tập, quy tụ 33 gương mặt nam trên 30 tuổi, đến từ nhiều ngành nghề như âm nhạc, điện ảnh, thể thao...
Sau 3 tháng phát sóng, chương trình đang đi đến chặng cuối. Ban tổ chức cho biết trong tập chung kết, 17 anh tài giành chiến thắng sẽ tiến hành thành lập "Gia tộc anh tài".
Như vậy, chung kết chỉ thành lập nhóm chiến thắng và một thủ lĩnh cho các anh tài, chứ không chọn ra quán quân như chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng năm ngoái.
No comments