Cuộc sống dàn diễn viên "Bao giờ cho đến tháng Mười" sau 4 thập kỷ ra sao?
Bao giờ cho đến tháng Mười do NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản, đạo diễn, ra mắt năm 1984, được xem là tượng đài của nền điện ảnh nước nhà.
Tác phẩm được góp tên trong danh sách 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do kênh truyền hình CNN bình chọn.
Bộ phim cũng đã đạt được nhiều giải thưởng quan trọng của quốc tế và Việt Nam: Giải đặc biệt tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989; Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình, tại LHP quốc tế Moskva năm 1985; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hawaii năm 1985; Đứng thứ 4 trong 100 bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Đông Nam Á do Letterboxd.com bình chọn.
Phim là câu chuyện về Duyên (NSƯT Lê Vân), chị đi thăm chồng ở chiến trường miền Nam nhưng nhận tin anh đã hi sinh.
Trên đường trở về, do quá tuyệt vọng, chị ngã từ trên đò xuống sông nhưng được thầy giáo Khang (NSƯT Hữu Mười) cứu. Vì lo gia đình sẽ suy sụp, Duyên quyết định giấu chuyện chồng qua đời, nhờ Khang giả chồng mình gửi những lá thư về.
Cảm động trước tấm lòng của Duyên, Khang dần nảy sinh tình cảm, bèn viết một bức thư bày tỏ với cô. Không may, lá thư lọt vào tay chị dâu của Duyên. Sự việc vỡ lở, Khang phải chuyển đến nơi khác dạy học, Duyên ở lại âm thầm chịu đựng nỗi đau.
Sau 40 năm phát sóng, cuộc sống dàn diễn viên trong phim có nhiều đổi thay, song, điểm chung là hầu như họ không còn xuất hiện trên màn ảnh.
NSƯT Lê Vân
NSƯT Lê Vân sinh năm 1958 trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội. Bố bà là NSND Trần Tiến, mẹ là NSƯT Lê Mai, cậu ruột là NSƯT Lê Chức, hai em gái của bà đều là những nghệ sĩ nổi tiếng - NSND Lê Khanh và nghệ sĩ múa Lê Vi.
Dù khởi nghiệp là diễn viên múa, Lê Vân bén duyên điện ảnh qua những phim: Chom và Sa, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì…
Trong đó, Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười được xem là vai diễn để đời của Lê Vân. Bằng khả năng diễn xuất tài tình, chuyên nghiệp, nữ nghệ sĩ đã tái hiện hình ảnh một nàng Duyên là hiện thân hoàn hảo của những đức tính điển hình ở phụ nữ Việt Nam: Nhân hậu, thủy chung, giàu đức hi sinh.
Cũng chính vai diễn này đã mang đến cho bà danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam diễn ra năm 1985.
Lê Vân từng cho biết, Duyên là vai diễn ưng ý nhất sự nghiệp. "Khi diễn, bản thân mình cũng không nhận ra đâu là ranh giới giữa đời thực và đời sống phim ảnh", bà nói.
Trong một cuộc phỏng vấn, diễn viên Đặng Lưu Việt Bảo từng dành nhiều lời khen cho Lê Vân: "Cô có thân hình của một diễn viên múa, khuôn mặt thuần Việt, đôi mắt ướt và long lanh". Theo Việt Bảo, nữ nghệ sĩ thông minh, luôn thuộc thoại và chủ động trong diễn xuất.
Năm 2006, Lê Vân ra mắt tự truyện Lê Vân - yêu và sống nhưng gây tranh cãi. Sách kể về cuộc sống thời niên thiếu khốn khổ của Lê Vân và gia đình, những xung đột về tình cảm của cha mẹ. Sau đó chị lui về ở ẩn, sống lặng lẽ bên gia đình, không tham gia nghệ thuật và tránh xuất hiện trước truyền thông.
NSƯT Hữu Mười
NSƯT Hữu Mười sinh năm 1957, là sinh viên khóa hai Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ở Bao giờ cho đến tháng Mười, diễn viên vào vai thầy giáo Khang, người hiền lành, mộc mạc, có tâm hồn sâu sắc.
Ông lột tả rõ nét những cung bậc cảm xúc của nhân vật, từ đồng cảm đến yêu thương Duyên, sẵn sàng bỏ đi nơi khác để giữ cuộc sống yên ổn cho cô.
Không chỉ yêu thương Duyên bằng một tình yêu đồng cảm và hi sinh mà nhân vật Khang còn hiện lên với hình ảnh người thầy giáo nhiệt tâm và tốt bụng. Dù là người hơi thâm trầm nhưng Khang luôn mang đến cho học trò những bài học lý thú về tình người và sự bao bọc nhau trong cuộc sống.
Vai diễn mang lại cho nam nghệ sĩ giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam 1985.
Ban đầu, đạo diễn Đặng Nhật Minh không có ý định giao nhân vật Khang cho Hữu Mười do lo rằng nét diễn của ông có sự lặp lại với vai thầy giáo trong Làng Vũ Đại ngày ấy (1982).
Ông đề nghị Hữu Mười có thể tham gia đoàn làm phim với vai trò trợ lý đạo diễn. Tuy nhiên, gần tới ngày quay, đạo diễn quyết định giao vai cho Hữu Mười bởi không tìm được ai phù hợp.
Năm 1987, nghệ sĩ Hữu Mười sang Nga theo học ngành đạo diễn. Tác phẩm Mùi cỏ cháy (2012) do ông thực hiện từng đoạt Cánh diều vàng cùng năm cho Phim điện ảnh xuất sắc nhất. Hiện, ngoài công việc đạo diễn, nam nghệ sĩ tham gia giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Nhớ về thời điểm trước khi qua Nga, NSƯT Hữu Mười từng cho biết: "Ngày ấy, chúng tôi làm phim một cách say mê, nhiệt tình. Trong niềm đam mê, có sự nhẹ nhàng, thanh thản, không toan tính. Cứ có lệnh của đoàn làm phim là khoác ba lô lên đường. Chúng tôi ăn ở, sinh hoạt cùng người dân ở tại bối cảnh luôn, cứ ở đó từ khi phim bấm máy cho đến khi phim đóng máy mới được về".
Đặng Lưu Việt Bảo
Trong tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Đặng Lưu Việt Bảo thể hiện vai Nam, người chồng đã chết của Duyên. Nam diễn viên chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh, khi linh hồn của Nam về gặp vợ.
Việt Bảo từng cho biết, rất yêu thích nhân vật dù không lên hình nhiều. Trong một lần chia sẻ với truyền thông, ông kể kỷ niệm quay đoạn Nam gặp Duyên ở bến sông.
Để dọn rác và vỏ hến quanh bối cảnh, ông huy động cả đoàn phim làm cùng mình, tránh phát sinh chi phí. Sau đó, Việt Bảo dùng cát-xê chiêu đãi mọi người, khiến ai cũng vui vẻ dọn dẹp.
Năm 1986, hãng phim truyện Việt Nam cử Đặng Lưu Việt Bảo đi học đạo diễn ở Nga. 10 năm sau, ông trở về Việt Nam cũng là lúc hôn nhân đổ vỡ. Năm 2003, khi hai con sang Mỹ định cư với mẹ, đạo diễn chuyển từ Hà Nội vào TPHCM sống một mình đến nay.
Trong vai trò đạo diễn, ông thực hiện thành công nhiều dự án như: Chuyện làng Nhô, Cỏ đuôi gà, Thứ ba học trò, Gió nghịch mùa. Hiện Đặng Lưu Việt Bảo giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.
Đạo diễn Trịnh Lê Phong
Trịnh Phong (Trịnh Lê Phong) đóng bé Tuấn, con của nhân vật Duyên. Ở cuối phim, lúc ông nội sắp mất, Tuấn tự bắt xe lên huyện để đánh điện cho bố về nhìn mặt ông lần cuối. Trên đường đi, cậu biết tin bố đã qua đời từ một người bộ đội. Dù còn nhỏ tuổi, cậu tỏ ra hiểu chuyện, dặn người bộ đội giấu sự thật với ông nội.
Trịnh Lê Phong sinh năm 1976, nay là một trong những đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng. Anh đứng sau loạt dự án như Máy bay ký sự, Bản di chúc bí ẩn, Những ngày không quên, Trở về giữa yêu thương, Thông gia ngõ hẹp.
Năm ngoái, anh được trao tặng giải Cánh diều vàng 2023, hạng mục Đạo diễn xuất sắc hạng mục dành cho phim truyền hình với tác phẩm Anh có phải đàn ông không.
No comments